Việt Nam cần phát triển, hoàn thiện chuỗi logistics trong cung ứng lạnh trong một thị trường ngày càng kết nối với thế giới.
Từ khi có thêm 2 thành viên nhỏ, chị Thu Thủy, 42 tuổi, quận 3, TP.HCM quan tâm hơn đến thực phẩm sạch cho cả gia đình. Là một gia đình có thu nhập trung bình nhưng tổ ấm 4 người của chị sẵn sàng tăng gấp đôi chi tiêu hằng tháng cho thực phẩm tươi sạch, để đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng cho các con nhỏ.
Sự tiết kiệm kỳ diệu!
Cũng như gia đình chị Thủy, thu nhập của người dân tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM tăng nhanh trong thời gian qua đã kích thích nhu cầu ngày càng lớn về thực phẩm đảm bảo chất lượng và dinh dưỡng. Ở khu vực đô thị, nhu cầu sản phẩm chất lượng cao ngày càng tăng, với ước tính tăng lên đến 20%.
Tuy nhiên, nhu cầu này không dễ đáp ứng khi khâu bảo quản của các nhà sản xuất và phân phối còn yếu kém. “Thịt heo sau khi được giết mổ, để ở nhiệt độ thường thì chỉ sau 2 – 3 giờ sẽ sản sinh rất nhiều vi sinh”, ông Lương Quang Thi – Tổng Giám đốc Công ty ABA Cooltrans chia sẻ.
Ngành thủy sản với kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nhì trong khu vực nông nghiệp, là ngành có mức độ phát triển mạng lưới cung ứng lạnh tốt nhất ở mức 95%. Đó cũng nhờ vào những yêu cầu khắt khe của các thị trường nhập khẩu mà ngành này hướng đến. Ngược lại, những mặt hàng nông sản và thực phẩm tiêu thụ trong nước khác chỉ đạt được 20 – 30% về mặt cung ứng lạnh này.
Người dân đáng lẽ có thể tiếp cận sản phẩm nông nghiệp với giá cả thấp hơn và chất lượng cao hơn nếu chuỗi cung ứng lạnh phát triển. Là một nước nhiệt đới, nông sản Việt mang tính mùa vụ rất cao. Những năm gần đây, điệp khúc “giải cứu” liên tục được kêu gọi gây bức xúc trong dư luận, từ hành tím, vải thiều, dưa hấu cho đến thịt heo. Tình hình có thể đã được cải thiện hơn nếu chuỗi logistics cung ứng lạnh phát triển hơn.
Nông sản khi vào mùa có thể được lưu trữ ở kho lạnh với nhiệt độ thích hợp để tiêu thụ sau đó, một mặt giúp giảm giá thành khi đến tay người tiêu dùng quanh năm, mặt khác lại giúp nông dân tăng được thu nhập. “Khi chuỗi cung ứng lạnh phát triển, người nuôi heo cứ nuôi và thịt khi đến kỳ. Thịt heo được lưu kho lạnh và đưa ra thị trường ở thời điểm thích hợp. Vậy nên nông dân sẽ không bị ép giá” là trăn trở của lãnh đạo ở ABA Cooltrans.
Trái cây cũng có thể được vận chuyển lạnh từ nơi sản xuất đến những thị trường tiêu thụ tiềm năng, như vải thiều từ Hưng Yên vào TP.HCM hay xoài cát Hòa Lộc ra Hà Nội. Nhiệt độ lạnh phù hợp sẽ giúp giảm thiểu tình trạng hư hỏng nông sản, khiến giảm giá thành sản phẩm tại điểm tiêu thụ cuối cùng. Chuỗi cung ứng lạnh không phải là sản phẩm giá trị gia tăng mà là phương pháp để giữ chất lượng sản phẩm ở mức tốt nhất, từ đó giúp bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Việc áp dụng công nghệ sẽ tăng giá trị bán hàng, tăng thu nhập và tăng quy mô sản xuất. Từ đó, tác động ngược lại giúp giảm giá thành sản phẩm.
Ngoài ra, việc ứng dụng chuỗi cung ứng lạnh trong bảo quản và vận chuyển nông sản còn đem đến một lợi ích khác là bảo vệ môi trường và giảm phát thải carbon. Theo Jonh Mandyck – tác giả cuốn sách Food Foolish, việc lãng phí thực phẩm trên thế giới hằng năm tương ứng với lượng phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Mandyck dẫn chứng một nghiên cứu của Deloitte chỉ ra, nếu chúng ta thêm 1 tấn carbon dưới hình thức sử dụng thêm xe tải lạnh để vận chuyển thực phẩm dễ hư hỏng từ nông trại đến bàn ăn, thực ra đã tiết kiệm 10 tấn carbon dưới hình thức loại trừ lãng phí thực phẩm. “Đó là một sự tiết kiệm kỳ diệu”, Mandyck nói.
Áp lực trong CPTPP
Thị trường logistics và cung ứng lạnh Việt Nam rất manh mún khi những hợp tác xã, hộ gia đình tự đầu tư kho lạnh quy mô nhỏ riêng, theo nhận định của TS. Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Hệ thống logistics còn yếu nên thiếu tính kết nối và đồng bộ giữa những điểm lưu trữ này.
Chưa có nhiều nghiên cứu chính thức về công nghệ sau thu hoạch tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo TS. Thế Anh, rau quả rất yếu về logistics lạnh sau thu hoạch, dẫn đến tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao, lên đến 20 – 25%. Mới đây, sự việc nông dân tại Mê Linh (Hà Nội) phải đổ bỏ hàng trăm tấn củ cải là một ví dụ nữa cho thấy thiếu đầu tư trong phương tiện vận chuyển và đứt gãy trong chuỗi logistics cung ứng lạnh.
Ngành logistics được Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự đoán là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất sau khi CPTPP được ký kết. Nhờ sự phát triển trong thị trường bán lẻ mà ngành cung ứng lạnh phát triển như hiện nay. Chỉ trong 3 năm, số lượng cửa hàng bán lẻ đã tăng gấp 4 lần, từ 900 cửa hàng năm 2014 lên hơn 3.400 cửa hàng vào năm 2017.
Xuất phát từ yêu cầu của chuỗi bán lẻ mà nhà cung cấp đã áp dụng phương thức bảo quản lạnh để lưu trữ và vận chuyển sản phẩm.
Tuy nhiên, từ góc độ nhà phân phối của những chuỗi siêu thị, bán lẻ như Auchan, CJ-Gemadept, Co.opmart, hệ thống logistics lạnh ở Việt Nam còn rất nhiều vấn đề. Do đó, nông sản và thực phẩm có thể không đảm bảo chất lượng, thậm chí hư hỏng.
Sự đứt gãy trong logistics có thể xảy ra ở bất cứ khâu nào, từ kho lạnh, vận chuyển lên xuống xe tải lạnh, cho đến chất lượng của phương tiện vận chuyển lạnh. “Chỉ 15 phút bốc dỡ hàng cũng có thể gây ra sốc nhiệt, nhất là đối với trái cây yêu cầu nhiệt độ thấp, dẫn đến hư hỏng”, đại diện Công ty Auchan cho biết.
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ về thị trường logistics Việt Nam cho rằng thị trường kho lạnh đã vượt công suất so với nhu cầu hiện tại, vì khu vực bán lẻ quy mô lớn chỉ mới bùng nổ gần đây. Tuy nhiên, tiềm năng vẫn còn đối với những công ty định hướng đầu tư dài hạn.
Trong chuỗi logistics cung ứng lạnh hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu phát triển hệ thống kho lạnh quy mô lớn như FM Logistics, CLK Cold Storage, Emergent Cold… Hầu hết các doanh nghiệp trong nước nắm giữ thị trường vận chuyển hàng lạnh bao gồm ABA Cooltrans, Tân Bảo An…
Theo ông Quang Thi, các doanh nghiệp vận tải lạnh đối diện với nhiều khó khăn bao gồm việc chưa tối ưu hóa được công suất xe, đặc biệt là xe tải lạnh giao hàng trong thành phố. Việc hạn chế thời gian di chuyển của xe tải đã giữ chi phí ở mức cao, trong khi chi phí này có thể giảm đến 2/3 nếu được chủ động thời gian. Việt Nam là quốc gia đặc thù với cơ sở hạ tầng, điều kiện khí hậu thời tiết và vận chuyển riêng biệt, nên cần có nghiên cứu riêng về kỹ thuật công nghệ lạnh áp dụng phù hợp.
Là một nước có khí hậu nhiệt đới, hầu hết nông sản Việt đều theo mùa vụ nên những đơn vị sản xuất ngại đầu tư vì thời gian sử dụng không liền lạc nên không tối ưu được chi phí đầu tư. Lại thiếu sự tiếp cận với những nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu hầu hết phải tự đầu tư nên hiệu quả kinh tế rất thấp.
Việt Nam cần phát triển, hoàn thiện chuỗi logistics trong cung ứng lạnh trong một thị trường ngày càng kết nối với thế giới. Là một nước có quy mô sản xuất nhỏ với 13 triệu hộ nông dân, nếu khó áp dụng công nghệ bảo quản mang tính tập trung, sẽ dẫn đến chi phí cao do sản phẩm phân tán. Thêm vào đó, những đơn vị riêng lẻ tự đầu tư những công nghệ lưu kho lạnh rẻ tiền nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, vai trò của hợp tác xã được nhấn mạnh, là đầu mối quy tụ các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ.
Trong lúc các nước phát triển như Úc và Mỹ quan tâm đến thị trường logistics cung ứng lạnh ở Việt Nam, thì các chiến lược quy hoạch ngành logistics cung ứng lạnh và vùng cụ thể, cùng các đề xuất hợp tác công tư rõ ràng sẽ là sự khích lệ lớn cho việc phát triển ngành này. Qua đó, giải quyết những bài toán khó của ngành nông nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống thị dân. Đó là giải pháp “một mũi tên trúng nhiều đích”.