Các mạng viễn thông Việt Nam trải qua một giai đoạn dài đổ hàng tỷ đô la cho hạ tầng công nghệ truyền thông thế hệ thứ 3 (3G), tiếp theo đó là đầu tư cho mạng 4G, đồng thời duy trì kết nối 3G cho người dùng.
Trong khi lộ trình mạng 5G đang được thúc đẩy trên toàn cầu, khiến việc tối ưu chi phí đầu tư của các nhà mạng trở thành bài toán khó.
Đại diện Viettel giới thiệu lộ trình tiến lên công nghệ 5G – Ảnh: Tuyết Ân |
Xu thế mới
Theo Báo cáo Kinh tế di động của Hiệp hội Di động toàn cầu (GSMA), ước tính số lượng kết nối trên mạng 4G và 5G đến năm 2025 sẽ chiếm 2/3 kết nối di động toàn cầu. Trong đó, mạng 4G sẽ chiếm hơn 50% kết nối và mạng 5G sẽ đạt khoảng 14% sau khi bắt đầu thương mại hóa, dự kiến từ cuối năm 2018. Năm 2017, hệ sinh thái di động toàn cầu chiếm khoảng 4,5% GDP toàn cầu, tương đương 3.600 tỷ USD, ước đạt 4.600 tỷ USD vào năm 2022 với sự gia tăng kết nối di động của môi trường Internet vạn vật (IoT).
Nếu như công nghệ 4G cho tốc độ nhanh gấp 10 lần kết nối 3G, về lý thuyết có thể đạt tới 1 – 1,5G, thì mạng 5G sử dụng sóng milimét (mmWave) cho tốc độ lên đến 10Gbps. Về lý thuyết, 5G tạo ra nền tảng giao tiếp lý tưởng cho các thiết bị điện tử thông minh trong nhà (smarthome) hay xe hơi kết nối, có thể xem video 8K ở định dạng 3D, kết nối thiết bị thực tế ảo VR hay chơi game trực tuyến mà không bị độ trễ.
Thậm chí các hãng công nghệ dự báo 5G là “kẻ hủy diệt” các mạng Wi-Fi công cộng khi có khả năng duyệt web tốc độ cao, hỗ trợ thoại video hay video lý tưởng hơn và dễ dàng truy cập đám mây tức thời.
Hiện tại, các hãng viễn thông và công nghệ toàn cầu lần lượt công bố triển khai 5G, như AT&T có kế hoạch triển khai tại hơn 10 thị trường vào cuối năm 2018 và tung ra các thiết bị sử dụng cho mạng này. Verizon thử nghiệm mạng 5G với Ericsson nhắm thay thế cho dịch vụ băng thông gia đình cũng ngay trong năm nay. Nokia hợp tác với Tencen, SK Telecom và Samsung…
Tại Việt Nam, hiện nhà mạng Viettel công bố lộ trình nâng cấp hạ tầng mạng lên 4,5G từ năm 2018 trên băng tần 1.800Mhz và 2.600Mhz theo chuẩn LTE-A; bước tiếp theo sẽ triển khai công nghệ Pre5G trên chuẩn LTE-Pro, theo lộ trình đến năm 2020 sẽ chính thức thử nghiệm công nghệ 5G tại các đô thị lớn trong nước.
Nhà mạng này tham vọng đưa dịch vụ 5G vào nhiều ứng dụng như y tế từ xa, nhà thông minh, du lịch thực tế ảo, giải trí 3D/4K, hệ thống an ninh giám sát theo thời gian thực, nông nghiệp thông minh…
Loay hoay với 3G, 4G
Tại Việt Nam, các mạng viễn thông sau giai đoạn dài chật vật phủ sóng 3G với chi phí đầu tư đắt đỏ, năm 2017 đã bắt đầu chuyển sang cung cấp dịch vụ trên băng tần 4G. Các chuyên gia dự báo dịch vụ 4G sẽ tiếp tục bùng nổ đến năm 2019 và từ năm 2020, Việt Nam bắt đầu thử nghiệm hạ tầng 5G và có lộ trình thương mại theo kịp sự thay đổi công nghệ.
Tuy nhiên, sự chuyển đổi nhanh chóng của các thế hệ mạng mới làm bộc lộ sự bất cập trong thương mại hóa dịch vụ, khiến các nhà đầu tư dễ dàng rơi vào thế “việt vị”. Theo số liệu của Bộ Thông tin – Truyền thông, số thuê bao di động có phát sinh lưu lượng tính đến thời điểm hiện nay đạt khoảng 124 triệu. Trong đó, lượng thuê bao 3G và 4G tăng hơn 29%, nếu tính riêng thuê bao 4G thì mức tăng hơn 50% so với cùng kỳ.
Ngoài Viettel công bố khá chi tiết số thuê bao 4G, các nhà mạng khác không đưa ra số liệu chính thức. Ước tính con số kết nối 4G tại Việt Nam hiện chưa đạt tới 30% tổng số người dùng các mạng di động. Viettel công bố đến hết quý I/2018 đạt 10 triệu thuê bao 4G sau một năm khai trương, chiếm gần 20% tổng số khách hàng của mạng này. Để thúc đẩy người dùng chuyển đổi lên 4G, các nhà mạng đều tung ra các gói cước tương đương 3G nhưng tốc độ cao hơn 6 – 10 lần, hỗ trợ đổi SIM dễ dàng để tăng tỷ lệ phổ cập 4G.
Ước tính doanh thu trung bình mỗi thuê bao 4G cao hơn khoảng 10% so với 3G, tuy nhiên việc chuyển sang 4G đến nay vẫn khá chật vật so với kỳ vọng thu hút thuê bao 4G của các mạng. Hàng loạt chương trình giảm giá dịch vụ 4G bằng cách tăng dung lượng, trong khi người dùng vẫn không ngừng than phiền về chất lượng so với công bố của nhà mạng khi mà tốc độ tải dữ liệu trung bình chỉ khoảng 35 – 37Mbps, không như công bố gấp đến hàng chục lần tốc độ mạng 3G.
Các nhà mạng hiện vừa phát triển người dùng mới, vừa duy trì và khuyến khích người dùng 2,5G – 3G chuyển đổi sang 4G. Rõ ràng, chưa thể khai thác và tận dụng tiềm năng của các hạ tầng này thì nhà mạng cũng lo ngại đối mặt với sự lạc hậu trong xu thế công nghệ mới.