Robot “tấn công” nghề giáo tại Nhật

Dạy tiếng Anh có thể là nghề hái ra tiền. Nhưng trong thời đại IoT, như rất nhiều công việc khác, những người làm nghề này đang đứng trước thách thức phải cạnh tranh với robot.

Thời gian qua, báo chí rộ tin chính phủ Nhật Bản sẽ triển khai robot và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào việc giảng dạy tiếng Anh, và tình trạng người lao động lo lắng bị mất việc vì robot đang là có thật ở quốc gia này.

Đối phó tình trạng hụt nhân công

Theo bản tin của đài NHK, Bộ Giáo dục Nhật Bản sẽ đưa robot vào thử nghiệm ở 500 trường học trong nước từ tháng 4/2019. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn được cho sẽ dùng ứng dụng điện thoại và các bài tập giao tiếp trực tuyến với giáo viên tiếng Anh bản ngữ để hỗ trợ học sinh.

Thực tế robot đã hiện diện tại các lớp học Nhật Bản càng lúc càng nhiều trong vài năm nay. Nhật Bản đã thử nghiệm robot Saya năm 2009, thiết lập để nó dạy các bài học cao nhất là lớp 5. Trong khi đó một số trường học trên thế giới cũng đã tìm cách đưa robot vào giảng dạy trong cả các bài học thực tế lẫn việc hỗ trợ giáo dục dài hạn.

Về lý thuyết, xu hướng ứng dụng robot vào thực tế cuộc sống đối với tình trạng của Nhật Bản là điều dễ hiểu.

Nước này đang trải qua giai đoạn dân số già, dẫn tới thiếu hụt lao động. Kể cả khi mở rộng thị trường lao động ra các nước châu Á và Đông Nam Á, người Nhật vẫn không thể lấp đầy khoảng trống ở một số lĩnh vực mà không phải lao động nước ngoài nào cũng làm được.

Chính vì vậy, báo cáo Chính phủ Nhật Bản ban hành hồi đầu tháng 8 khẳng định quốc gia Đông Á cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ như trí tuệ nhân tạo và robot để ngăn tình trạng hụt lao động, trì trệ kinh tế.

Báo cáo của Chính phủ Nhật cảnh báo rằng đất nước đang trải qua giai đoạn thiếu hụt lao động kéo dài một phần tư thế kỷ, trong đó các ngành dịch vụ vận tải, kiến trúc sẽ chứng kiến khó khăn.

Báo cáo nêu rõ: “Quan trọng là chúng ta đầu tư vào phát triển nhân lực và triển khai các biện pháp sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư như trí tuệ nhân tạo, IoT (internet vạn vật) và robot”.

 

Công nghệ vẫn chiếm ưu thế

Robot giúp tăng năng suất. Robot giúp giải quyết thiếu hụt nhân công chất lượng cao. Đó là điều ai cũng hiểu, nhưng không nhiều nơi dám hoặc sẵn sàng thực hiện. Đơn giản vì bức tranh lao động không đồng đều. Có những ngành thiếu hụt thì cũng nhiều ngành thừa mứa. Do vậy việc triển khai robot vào công việc cũng vô tình tạo ra tình trạng thất nghiệp, điều mà chính quyền các nước không muốn thấy.

Bên phía đối diện, những người ủng hộ cũng có cái lý của riêng mình. Họ ra sức bảo vệ quan điểm cho rằng robot là cần thiết, bằng cách dẫn ra những tiến bộ công nghệ thể hiện khả năng hỗ trợ vượt trội của người máy, cũng như luôn nhắc nhở rằng robot không thay thế theo dạng “cứng”, không phải lấy một robot thay một người, mà chỉ là hỗ trợ mà thôi.

Fumihide Tanaka, nhà nghiên cứu tại Khoa Công nghệ Tương tác thông minh thuộc Đại học Tsukuba (Nhật Bản) là một người như vậy. Trong nghiên cứu mới công bố, ông Tanaka khẳng định “Giải pháp của chúng tôi không phải là thay thế, mà là giúp con người cảm nhận, suy nghĩ và hành động”.

Theo đó, phương pháp của Tanaka là nhằm hỗ trợ giáo viên làm được những công việc họ không thể làm, hoặc không thể làm xuể trong bối cảnh nhu cầu giáo dục tương tác ngày càng tăng, và số lượng học sinh ngày càng nhiều.

Cụ thể khi đưa robot Nao (của công ty SoftBank Robotics) vào giảng dạy, cỗ máy cao 58cm này giúp đỡ trẻ em từ 3 tới 6 tuổi học tiếng Anh.

Nhưng Nao không hoạt động như một giáo viên truyền thống. Bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo, nó vừa cải thiện kỹ năng cho học sinh, vừa cố tình học được hành vi, tự động giả vờ mắc sai sót để học sinh “chỉnh ngược lại”. Cách làm này giúp học sinh nhớ và dần hoàn thiện bản thân hơn. Lấy ví dụ, qua việc “dạy robot” cách viết chữ, các em nhỏ sẽ tự ý thức rằng mình phải giỏi ở lĩnh vực này, và tự động cải thiện kỹ năng.

Bên cạnh đó, một robot vừa là thầy vừa là bạn của học sinh cũng sẽ giúp các em nhỏ có sự tương tác nhiều hơn, sâu hơn. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo khiến robot học được hành vi, từ đó mang khuynh hướng cá nhân hóa các “bài giảng” của mình cho từng học sinh. Đây là điều một giáo viên đứng lớp khó lòng đáp ứng theo cách tốt nhất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Exit mobile version