Thế giới hướng đến thành phố thông minh

Vai trò quan trọng của các sáng tạo ICT hiện nay đã được nhiều nền kinh tế nhìn nhận. Trong xây dựng, các tòa nhà, đã tính đến chuyện hệ thống chiếu sáng hiệu quả từ các ứng dụng viễn thông và điện tử tại gia, cũng như lắp đặt hệ thống cảm ứng kiểm soát thông minh. Trong giao thông, CNTT được ứng dụng tối đa.

Theo nghiên cứu “Từ phục hồi kinh tế, đến một nền kinh tế xanh hơn nhờ ứng dụng CNTT” của tác giả Peter Johnston, một nhà tư vấn cấp cao của Trung tâm Chính sách châu Âu (EPC) và Waldo Vanderhaeghen, một sinh viên tại trường Đại học Vrije (VUB), có 3 cơ sở hạ tầng quan trọng cho nền kinh tế xanh thông minh. Thứ nhất là công khai lượng khí thải carbon và năng lượng tiêu thụ cho mọi người, bởi không ai có thể kiểm soát những gì họ không thấy: các doanh nghiệp cần tính toán mức tiêu thụ năng lượng và khí thải carbon để cải thiện năng suất; các nhà đầu tư cần có báo cáo về carbon để giảm thiểu rui ro khi quyết định đầu tư; người dân cần hàng hóa có dán nhãn hiệu carbon và năng lượng để “mua xanh”; chính phủ cần báo cáo carbon để kiểm soát quá trình hướng tới các mục tiêu 2020.
Cơ sở thứ hai là lắp đặt đường dây điện thông minh. Ngành công nghiệp điện lực đang đứng trước bờ vực của những thách thức và thay đổi. Nhu cầu mới về năng lượng phục hồi, tiết kiệm năng lượng yêu cầu phải có một hệ thống dây điện thông minh hơn. EU đang đặt mục tiêu 35% năng lượng tiêu dùng trong năm 2020 phải là năng lượng phục hồi. Ngoài ra, bên nhưng nhà máy sản xuất điện bằng mặt trời và gió, sẽ có những trung tâm mua sắm, những tòa nhà, những hộ gia đình đồng thời là những nhà sản xuất năng lượng. Điều này yêu cầu phải có hệ thống điện thông minh, có khả năng tích hợp hàng triệu nguồn năng lượng khác nhau.
Và cơ sở thứ ba là xây dựng cơ sở hạ tầng ICT rộng khắp, tốc độ cao. tất cả mọi người đang ngày càng nhận ra sự tăng trưởng xanh ngày càng phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng ICT. Cả ba cơ sở này luôn phải đi cùng nhau và cần nhiều năm đầu tư bền vững. Trong mỗi cơ sở, vai trò quan trọng nhất của các chính phủ là tạo ra khung pháp lý và thị trường đúng đắn để kích thích đầu tư của ngành điện và hàng triệu doanh nghiệp, cá nhân. Chính phủ và các cơ quan công quyền cũng phải có vai trò lớn khi các nhà đầu tư tiên phong hiện đại hóa dịch vụ của họ vì một sự phát triển sáng tạo hơn rất cần sự điều phối, phối hợp rộng rãi.

Tháng 12/2008, Hội đồng châu Âu đã thông qua Kế hoạch phục hồi kinh tế châu Âu, trọng tâm là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ xanh và hiệu quả năng lượng, biến châu Âu thành xã hội “ít carbon” nhờ ứng dụng CNTT. Kế hoạch này bắt đầu được EU triển khai từ cuối năm 2009.

Các quan chức của EU nhận định kế hoạch đang trở nên quan trọng bội phần trước nguy cơ năng lượng cạn kiệt, khí hậu biến đổi. “Tăng trưởng xanh” chính là mục tiêu nằm sau kế hoạch phát triển kinh tế. Tuy nhiên, số tiền 5 tỷ euro mà EU chi cho năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng băng rộng được xem là thiện chí “đầu tư xanh”, song nó vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu.
Theo các nhà phân tích, EU cũng như các quốc gia nếu muốn tạo ra sự tăng trưởng xanh thông minh hơn, không thể tự chính phủ làm một mình, mà cần ứng dụng sáng tạo của các tập đoàn tư nhân, các khoản đầu tư, sáng tạo công nghệ của hàng trăm triệu công ty và cá nhân. Như vậy, những ưu tiên trong chính sách cũng cần chuyển đổi sang cơ chế hợp tác với doanh nghiệp. Ở cấp độ châu Âu, sáng kiến tăng trưởng thông minh không thiếu, song còn phân tán.
Những sáng kiến này cần được tập hợp và xem xét trong một khung chương trình mạch lạc, gắn kết, được hỗ trợ bởi Ngân hàng Đầu tư châu Âu cũng như chương trình hành động của các nước thành viên. Không những thế, các sáng kiến cần những mối liên kết mạnh mẽ hơn giữa các cơ quan Phát triển và nghiên cứu công nghệ. Điều cần thiết hiện nay là sự gắn kết các chính sách trong châu Âu vì một xã hội tri thức và an ninh năng lượng, khí hậu.

Nhật tham vọng xây thành phố thông minh cho cả thế giới
Nhật tham vọng xây thành phố thông minh cho cả thế giới

Cuối năm 2009, 5 đại gia CNTT thế giới, gồm hãng SAP AG, SHARP Corporation, Nikken Sekkei, Hewlett-Packard Japan, Mitsui Fudosan và Hiệp hội Thiết kế tương lai (FDC) của Nhật Bản đã thỏa thuận sẽ cùng nhau hợp sức tiến hành Dự án Thành phố thông minh. Đây sẽ là một mô hình ứng dụng công nghệ trong thiết kế và xây dựng thành phố của Nhật Bản với thế giới.
Theo kế hoạch hợp tác này, từ tháng 4/2010 “lực lượng” CNTT trên đã tạo ra các bản đề xuất, kiến nghị dành cho mỗi khu vực trên thế giới. Các công ty tham gia trong Dự án đóng góp những công nghệ xuất sắc, tiêu biểu và dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm thực tế ở mỗi vùng. Ngoài việc hợp tác về kỹ thuật với trường Đại học Tokyo, theo bản thỏa thuận với FDC, còn có các cuộc nghiên cứu để đánh giá mức độ hợp tác và kết hợp các khả năng của các công ty cơ sở hạ tầng, các hãng xây dựng, thiết kế tòa nhà và các doanh nghiệp liên quan đến ngành phân phối điện năng.
Dự án Thành phố thông minh nhằm mục đích giảm khí thải CO2 thông qua việc sử dụng các nguồn năng lượng phục hồi, cải thiện chất lượng cuộc sống và đóng góp cho ngành công nghiệp môi trường của Nhật Bản. Kế hoạch sẽ phát triển những mô hình tiêu biểu như “hệ thống xã hội”, từ đó ứng dụng cho Nhật Bản và cả thế giới.
Tuy nhiên, ở những khu vực khác nhau trên thế giới sẽ có những nhu cầu và hạn chế khác nhau, cơ sở hạ tầng điện, viễn thông khác nhau, điều kiện khí hậu và quan điểm chính trị khác nhau. Để vượt qua những khó khăn khác biệt này, Dự án Thành phố thông minh sẽ tăng cường sự hợp tác với các tập đoàn công nghệ tiên tiến trên thế giới, và sẽ lần lượt ứng dụng các mô hình đã được tùy biến địa phương hóa để đáp ứng nhu cầu của từng khu vực.

Ấn Độ xây “cộng đồng thông minh”
Ấn Độ xây “cộng đồng thông minh”

Cuối tháng 4/2010, Ấn Độ đã đặt kế hoạch năm 2017 là năm hoàn thành giai đoạn đầu tiên xây dựng khu Gujarat của Ấn Độ thành “thành phố công nghiệp lớn nhất thế giới”. Theo đó, sẽ xây dựng một “cộng đồng thông minh” với diện tích 900 km2 tại Dholera. Dholera sẽ là một trong 7 thành phố công nghiệp mở đường cho việc xây dựng một “Ấn Độ mới trong 30 năm tới”. Hiện nay, có 25.000 dân cư sống ở khu vực này. Đến năm 2017, khu vực này sẽ là một thành phố thông minh. Mới đây, một biên bản ghi nhớ nhiều bên đã được ký kết giữa chính quyền thành phố Gujarat, Maharshtra, Haryana và các tập đoàn Nhật Bản Mitsubishi Heavy Industry, Toshiba, Hitachi, Nissan, JGC Group, JETRO và Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UF.
Giai đoạn đầu tiên của kế hoạch ở Dholera sẽ bao gồm việc xây dựng tất cả cơ sở hạ tầng cơ bản, chủ yếu dựa vào mối hợp tác công-tư (PPP). Chính phủ sẽ hỗ trợ các khoản đầu tư xây dựng cơ sở thiết yếu như quản lý lũ lụt, tưới tiêu và hệ thống đường phố lớn. Dholera sẽ là thành phố đi đầu của Ấn Độ được thiết kế và xây dựng theo mô hình thành phố thông minh, thân thiện với môi trường, giảm thiểu khí thải carbon.
Trước đây, các thành phố công nghiệp đã phát triển một cách rất tự nhiên, trở thành những khu công nghiệp đầy ô nhiễm, vì chúng được định danh như những khu sản xuất. Bằng bài học kinh nghiệm từ các thành phố ở Nhật Bản, các cộng đồng, thành phố thông minh mới của Ấn Độ sẽ tái chế nước, nhựa và năng lượng, trở thành những thành phố phát triển bền vững cả về kinh tế lẫn sinh thái.

Mô hình thành phố thông minh Songdo – Hàn Quốc
Mô hình thành phố thông minh Songdo – Hàn Quốc

Tháng 6/2001 vùng Songdo, Hàn Quốc vẫn còn hoang sơ và bùn lầy, ô nhiễm. Nhưng nay, Songdo đã là một vùng kinh tế phát triển nhanh, một trung tâm đô thị thông minh với mạng lưới điện, giao thông, bất động sản và hệ thống giải trí tích hợp. Đây là một mô hình thành phố thông minh đang được nhiều chuyên gia thế giới đến học hỏi kinh nghiệm.
Songdo cách thủ đô Seoul 40 dặm. Chi phí để “lột xác” Songdo khoảng hơn 40 tỷ USD, năm 2014 sẽ hoàn toàn là một thành phố thông minh. Đây có lẽ là vụ đầu tư bất động sản tư nhân có chi phí lớn nhất trong lịch sử thế giới. Các đối tác tham gia trong vụ đầu tư này là hãng Gale International, nhà sản xuất thép Posco của Hàn Quốc và hãng dịch vụ tài chính Morgan Stanley. Cả ba nhà đầu tư đánh cược rằng Songdo sẽ trở thành trung tâm thương mại châu Á, nối liền Thượng Hải và Tokyo. Songdo cũng sẽ là mô hình cho một dự án Gale mới là Meixi Lake tại Trung Quốc. Cả hai thành phố này sẽ là “những thành phố thông minh, bền vững và công nghệ cao”.
Các tòa nhà của Songdo được thiết kế thông hơi gấp đôi. Thang máy tiết kiệm năng lượng và điều hòa được thiết kế tiết kiệm 20% điện. Mưa và nước thải được thu thập dùng để tưới tiêu và làm mát. Songdo cũng là trung tâm giao thông xanh. Taxi chạy bằng nước hoạt động dọc theo đường biển của thành phố. Dịch vụ cho thuê xe đạp có mặt khắp nơi, hệ thống chia sẻ ô tô được áp dụng. Xe buýt chạy bằng nhiên liệu fuel-cell sẽ có mặt trong 2-3 năm tới. Thành phố được thiết kế với hơn 40% không gian xanh.
Meixi Lake cũng sẽ được thiết kế tương tự. Cisco là hãng triển khai các công cụ phần mềm quản trị năng lượng và công nghệ mạng cho hai thành phố, sẽ hợp nhất các hệ thống hành chính, như giáo dục, y tế, giao thông và bệnh viện vào một mạng lưới chung. Các công dân sẽ có thể chat (tán gẫu) với cô giáo của con cái, hỏi chuyện bác sỹ và xin cấp các loại giấy phép qua màn hình tại nhà. Các tòa nhà cũng sẽ thông minh hướng dẫn xe hơi đi vào chỗ đỗ xe còn vắng. Khách sạn tự nhận biết khách quen và tự động điều chỉnh hệ thống phòng ốc.

Việt Nam: không nằm ngoài “cuộc chơi”
Việt Nam: không nằm ngoài “cuộc chơi”

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đến Songdo để tham khảo mô hình xây dựng thành phố thông minh. Và cuối tháng 4 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng và hãng CNTT Cisco đã ký kết Bản Ghi nhớ mở rộng nhằm hợp tác xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh với hạ tầng TT&TT đồng bộ, hướng đến thành phố phát triển kinh tế, sinh thái bền vững. Cisco sẽ hợp tác nâng cấp phần mạng lõi của Đà Nẵng thành mạng CNTT thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu cho một thành phố thông minh; hợp tác thiết kế cơ sở hạ tầng của Khu CNTT Đà Nẵng thành một trung tâm Nghiên cứu & Phát triển và chế tạo các sản phẩm CNTT đỉnh cao, có khả năng hỗ trợ sự phát triển của nhiều lĩnh vực CNTT khác nhau. Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, cho biết mô hình thành phố phát triển kinh tế -sinh thái bền vững là một sáng kiến mới do Ngân hàng Thế giới khởi xướng. Dự kiến vào khoảng tháng 6/2010, Ngân hàng Thế giới sẽ đến Đà Nẵng để khảo sát tình hình thực tế.
Với tinh thần hướng đến 1000 năm Thăng Long Hà Nội, vấn đề ứng dụng CNTT và xây dựng một thành phố Hà Nội không dây cũng là chủ đề chính của buổi tọa đàm kỷ niệm 145 năm ngày thành lập Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) và Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới. Theo ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở TT&TT thành phố Hà Nội, Hà Nội đang đầu tư vào các dự án hạ ngầm và đến cuối quý II/2010 sẽ hoàn thành xong 2 dự án, các tuyến đường chính sẽ được hạ ngầm. “Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2015 về cơ bản sẽ là thành phố không dây”, Giám đốc Sở TT&TT thành phố Hà Nội cho biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.